Theo báo cáo Sigma số 5/2021 mới được ấn hành của Viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ (SRI), doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu dự báo sẽ tăng trung bình 3,2% tính theo giá trị thực tế hàng năm trong hai năm tới, cao hơn xu hướng dài hạn.
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trên toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn xu hướng ở mức 3,7% vào năm 2022 và thấp hơn một chút ở mức 3,3% vào năm 2023. Châu Âu tiên tiến và các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng cao hơn xu hướng, trong khi đó Châu Á Thái Bình Dương và Bắc Mỹ tiên tiến sẽ tăng trưởng phù hợp với xu hướng dài hạn.
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng với mức tăng trưởng thực tế trên trung bình lần lượt là 2,9% và 2,7% trong năm 2022 và 2023. Tăng trưởng của các thị trường tiên tiến sẽ cao hơn xu hướng, nhưng các thị trường mới nổi sẽ thấp hơn xu hướng.
Dự báo thị trường bảo hiểm toàn cầu sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 nghìn tỷ USD về doanh thu phí bảo hiểm vào giữa năm 2022, sớm hơn so với dự tính trước đây của SRI vào tháng 7. Ngành bảo hiểm đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ đối với COVID-19 và doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu dự báo sẽ tăng 3,4% tính theo giá trị thực tế trong năm 2021, đưa tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn cầu phát sinh trong năm 2021 cao hơn 8% so với mức trước khủng hoảng năm 2019.
Riêng với các thị trường bảo hiểm tiên tiến ở Châu Á Thái Bình Dương, dự báo mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 3,9% tính theo giá trị thực tế trong năm 2021, 3,5% trong năm 2022 và 2,8% trong năm 2023.
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường tiên tiến thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng cao hơn xu hướng gần 3,8% tính theo giá trị thực tế trong năm 2021 và 2022, dẫn đầu là Úc. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của Úc sẽ tăng (tính theo giá trị thực tế) khoảng 6% trong năm 2021 và 10,5% trong năm 2022 sau khi giảm mạnh vào năm 2020, khi các cáo buộc về việc bán bảo hiểm không phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế của Úc cũng sẽ thúc đẩy nhẹ bảo hiểm theo nhóm, vốn chủ yếu do các quỹ hưu trí mua. Ở Nhật Bản, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đang dần phục hồi do các sáng kiến mới như sử dụng các công cụ trực tuyến và số để giảm bớt hoạt động bán bảo hiểm trực tiếp và quảng cáo những đặc điểm nổi bật của sản phẩm mới như phần thưởng cho lối sống lành mạnh và phiếu giảm giá tập thể dục thể hình.
Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dự báo khả năng sinh lời cũng được cải thiện mạnh mẽ trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh nghiệp vụ phục hồi mạnh mẽ. Tính trung bình, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các thị trường lớn ở Châu Á – Thái Bình Dương ước tính sẽ lên đến 6,3% trong năm 2021, tăng từ mức 5,3% của năm ngoái và sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 6% trong hai năm tới. Ở Úc, kết quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã suy yếu đáng kể trong năm 2020 do gián đoạn kinh doanh, thiên tai và bồi thường trách nhiệm cao hơn, nhưng tất cả đều đã được cải thiện kể từ đó. Ở Nhật Bản cũng vậy, kết quả kinh doanh nghiệp vụ dự báo sẽ được củng cố nhờ tỷ lệ bồi thường được cải thiện trong các loại hình bảo hiểm dành cho doanh nghiệp.
Các thị trường tiên tiến ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương bao gồm các thị trường như Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Năm 2021, ngành bảo hiểm đã phải đối mặt với nhiều tác động mới do đại dịch gây ra (xem hình bên dưới). Điều này đã mang lại những bài học mới trong tất cả các lĩnh vực của thị trường toàn cầu.
Ngành bảo hiểm/ tái bảo hiểm vẫn đóng vai trò là người hấp thụ rủi ro quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Đại dịch là cú sốc lớn trên toàn cầu, và là cú sốc càng thêm tồi tệ do những tổn thất thiên tai nghiêm trọng và tốn kém trong năm nay. Việc hỗ trợ tài chính kịp thời của ngành bảo hiểm/ tái bảo hiểm cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đã giúp xây dựng lại và phục hồi nhanh chóng và hiệu quả. Kinh nghiệm này đã nhắc lại vai trò hỗ trợ của ngành bảo hiểm/ tái bảo hiểm trong việc tăng cường khả năng phục hồi toàn cầu.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng cho thấy cần có biện pháp bảo vệ tốt hơn để cải thiện khả năng phục hồi của xã hội. Các công ty bảo hiểm tiếp tục nâng cao khả năng phân tích dữ liệu và công nghệ số của mình để cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về các rủi ro chuỗi cung ứng và xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cải tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực gián đoạn kinh doanh ngẫu nhiên (CBI) và các giải pháp bảo hiểm thiệt hại phi vật chất.
Các sự kiện thời tiết cực đoan phá kỷ lục làm tăng thêm tính cấp bách cho cuộc đua giảm phát thải các-bon ròng bằng không. Năm 2021 là một năm cực kỳ nóng, lạnh, hạn hán và thiếu nước. Theo ước tính, năm 2021 sẽ là năm có chi phí thiệt hại cao thứ tư theo ghi nhận đối với ngành bảo hiểm. Lũ lụt là rủi ro thứ cấp nổi bật nhất trong năm, từ Châu Âu đến Trung Quốc và Mỹ. Số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm do các rủi ro thứ cấp đã tăng lên trong một thập kỷ và chiếm phần lớn các tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu mỗi năm do biến đổi khí hậu là động lực chính. Dự báo điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, tập trung tài sản ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng và biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra lượng mưa lớn hơn do nhiệt độ tăng lên làm độ ẩm trong khí quyển gia tăng. Bảo hiểm đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc hấp thụ những tổn thất thảm họa, mà còn hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của điều kiện thời tiết bất ổn.
Rủi ro bất bình đẳng ngày càng tăng làm trầm trọng thêm lạm phát xã hội. Mặc dù tất cả mọi người đều phải chịu đựng, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng bất tương xứng đến một số phân khúc thu nhập thấp hơn và dự báo đại dịch sẽ làm cho các xu hướng xã hội như bất bình đẳng càng tồi tệ hơn. Điều này có ảnh hưởng đến các công ty bảo hiểm Mỹ, vốn phải đối mặt với chi phí bồi thường tăng cao hơn mức lạm phát kinh tế chung trong các loại hình bảo hiểm trách nhiệm do các phán quyết kiện tụng. Các động lực gây ra lạm phát xã hội này mang tính phi kinh tế và bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm của các thành viên ban hội thẩm đối với các vấn đề như bất công xã hội, bất bình đẳng và quan điểm tiêu cực đối với các doanh nghiệp. Việc thiết lập lại chính sách hỗ trợ cho sự hòa nhập và gắn kết xã hội nhiều hơn có thể giúp giải quyết sự bất đồng quan điểm này.
Nhận thức về rủi ro ngày càng cao đang tạo ra nhu cầu về bảo hiểm nhiều hơn. Đại dịch đã nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về rủi ro sức khỏe và tử vong, đồng thời củng cố sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ. Các cuộc khảo sát năm 2020 và 2021 của SRI về xu hướng tiêu dùng tại các thị trường lớn ở Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy bằng chứng nhất quán về nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về các rủi ro sức khỏe và tử vong cũng như nhận thức về việc chưa được bảo hiểm đầy đủ. Sự thay đổi trong nhận thức về rủi ro được phản ánh qua việc tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe trên toàn cầu đã tăng với tốc độ trung bình trên 5,5% trong năm 2020 và 3,2% trong năm 2021, ngay cả khi nhiều loại hình bảo hiểm khác đã sụt giảm. Phân tích của SRI cho thấy mối quan ngại về rủi ro gia tăng trên diện rộng cũng giúp duy trì sự tăng trưởng tích cực về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ với mức tăng 1,5% trong năm 2020 và 4,9% trên toàn cầu trong năm 2021. Sự tăng trưởng này trái ngược với các cuộc khủng hoảng trước đây, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã giảm xuống. Ví dụ, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã giảm 0,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 và hầu như không thay đổi trong năm 2009, trong khi đó tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe giảm 2 điểm phần trăm xuống 3% trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Người tiêu dùng đón nhận bảo hiểm số và trực tuyến và bảo hiểm này sẽ phát triển nhanh chóng. Theo nghiên cứu của SRI, đại dịch đã làm thay đổi khả năng tiếp nhận của người tiêu dùng để tương tác với bảo hiểm số. Cho dù là để bán hàng, dịch vụ sau bán hàng, yêu cầu bồi thường hay tiện ích bổ sung, mọi người hiện coi việc cung cấp trực tuyến là điều cần thiết. Ở Châu Á Thái Bình Dương, các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy 2/3 (66%) số người được hỏi coi các tính năng trực tuyến là tiêu chí chính để mua bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Trong số những người đã mua hợp đồng bảo hiểm mới trực tuyến vào đầu năm 2021, 85% những người này sẽ làm điều tương tự cho các lần mua trong tương lai. Một cuộc khảo sát khác của SRI ở châu Á cho thấy 42% những người được hỏi thích mua các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trực tuyến. Do mức độ thâm nhập kỹ thuật số của bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn thấp, ở mức 1–2% doanh thu phí bảo hiểm nên điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Ngoài châu Á, nghiên cứu định tính của SRI về sức khỏe tinh thần của người tiêu dùng ở các thị trường tiên tiến bao gồm Mỹ, Canada, Đức, Pháp và Anh cho thấy hầu hết tất cả những người tham gia đều mong đợi được chứng kiến một ứng dụng trong giải pháp bảo hiểm sức khỏe tinh thần./.
(Theo Sigma số 5/2021 của SRI)