Sau khi các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn từ chối bảo hiểm cho các dự án than mới, các công ty khai thác than toàn cầu đang xem xét thành lập một công ty bảo hiểm tương hỗ để bảo hiểm cho các dự án khai thác mỏ và các hoạt động khác của mình. Họ dự định góp vốn chung để thành lập công ty bảo hiểm tương hỗ đề xuất.

Hơn 30 công ty bảo hiểm lớn trên khắp thế giới đã thực hiện chính sách không nhận bảo hiểm cho các dự án khai thác than mới và rút lui dần dần khỏi bảo hiểm cho các hoạt động khai thác than hiện hành. Theo nguồn tin trong ngành bảo hiểm, khoảng 40 công ty bảo hiểm đã từ chối không nhận bảo hiểm cho mỏ than Carmichael khổng lồ của Tập đoàn Adani ở Úc.
Việc rút lui này đã có tác động lớn đến ngành than ở Úc, Mỹ và các nước khác. Việc không có bảo hiểm giờ đây đã “trở thành vấn đề số 1 mà các thành viên của chúng tôi phải đối mặt”, một nhà vận động hành lang của ngành than ở Bắc Dakota bình luận trong tháng Giêng. Còn BMD, một công ty đang xây dựng tuyến đường sắt cho mỏ than Carmichael, báo cáo trong tháng 5 rằng họ đã nỗ lực đàm phán bảo hiểm trách nhiệm cho dự án của mình với 33 công ty bảo hiểm nhưng không thể mua được bảo hiểm.
Các công ty than của Úc hiện đang xem xét kế hoạch góp chung vốn và thành lập một công ty bảo hiểm tương hỗ để bảo hiểm cho các dự án và hoạt động của mình. Theo tờ Sydney Morning Herald đã đưa tin ngày 13/8, các đại diện của ngành khai thác mỏ đang tham gia vào các cuộc thảo luận với Picnic Labs, một công ty chuyên thành lập các công ty bảo hiểm tương hỗ để thiết lập chương trình tự bảo hiểm. Một quỹ chung khoảng 20-50 triệu AUD (15-38 triệu USD) sẽ cho phép các công ty than “kiểm soát vận mệnh của chính mình”, một đại diện của Picnic Labs bình luận.
Bất kỳ kế hoạch nào của ngành than tự bảo hiểm rủi ro của mình sẽ gặp phải một số thách thức nghiêm trọng.
Ngành than vốn dĩ không có nhiều tiền. Bất kỳ kế hoạch tự bảo hiểm nào dựa trên cơ sở vốn ít ỏi của họ sẽ cần phải thu xếp tái bảo hiểm nhiều để phân tán những rủi ro lớn trong quá trình vận hành các mỏ than và nhà máy điện. Tuy nhiên, Swiss Re, Munich Re, Hannover Re, SCOR, Lloyd’s và nhiều công ty tái bảo hiểm khác đã cam kết rằng họ sẽ không nhận tái bảo hiểm cho các dự án than mới và rút lui dần dần khỏi các hoạt động khai thác than hiện hành. Cuối năm 2020, các công ty tái bảo hiểm này đã kiểm soát 56% thị trường toàn cầu, nên cần nói rõ rằng họ sẽ tôn trọng các cam kết về khí hậu và không tham gia vào công ty bảo hiểm tương hỗ có mục đích rõ ràng là tạo ra cứu cánh cho ngành than.
Các công ty bảo hiểm không chỉ đơn giản là rút lui khỏi hoạt động khai thác than để bảo vệ thương hiệu công chúng của mình. Họ có lợi ích riêng về tài chính để làm như vậy. Năm ngoái, Công ty dịch vụ nhà đầu tư của Moody đã chỉ ra rằng bằng cách rút lui khỏi hoạt động khai thác than, các công ty bảo hiểm có thể tránh được những rủi ro pháp lý mà các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch phải đối mặt khi hàng trăm vụ kiện về khí hậu đang được đưa ra trước các tòa án. Societe Generale, ngân hàng của Pháp, thậm chí còn đánh giá cao giá trị cổ đông của các công ty bảo hiểm có chính sách đúng đắn rút lui khỏi hoạt động khai thác than.
Các tổ chức chính phủ nên suy nghĩ kỹ trước khi nhận rủi ro mà các công ty bảo hiểm thương mại hàng đầu thế giới không còn sẵn sàng chấp nhận bảo hiểm nữa. Họ nên đầu tư nguồn lực của mình vào quá trình chuyển đổi công bằng và chính đáng sang các giải pháp năng lượng của thế kỷ 21.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu “phải rung lên hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của chúng ta”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo hồi đầu tuần. Yêu cầu công chúng hỗ trợ cho quỹ tự bảo hiểm là một kế hoạch vô vọng của một ngành công nghiệp đã mất giấy phép kinh tế và xã hội để hoạt động./.
(Theo Insure Our Future ngày 13/8/2021)