Hiệp hội Bảo hiểm Hàng hải Quốc tế (IUMI) đã thông báo doanh thu phí bảo hiểm hàng hóa toàn cầu năm 2020 tăng 5,9% so với năm 2019, đạt 17,2 tỷ USD cùng với sự cải thiện về tỷ lệ bồi thường chung.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của IUMI từ Seoul vào ngày 8 tháng 9 vừa qua, bà Isabelle Therrien, Chủ tịch Ủy ban Hàng hóa của IUMI, cho biết, “Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến sự điều chỉnh trong thị trường bảo hiểm hàng hóa (mặc dù với tốc độ chậm hơn so với những năm trước) bằng việc củng cố doanh thu phí bảo hiểm và cải thiện khả năng sinh lợi của chúng ta.”
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng các điều kiện hay thay đổi và có nhiều yếu tố mà lĩnh vực này cần phải nhận thức được.
Những thách thức
Bà Therrien cho biết thêm, “Về mặt tích cực, sự phục hồi thương mại thế giới đang diễn ra tốt đẹp và dự báo rằng các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn đầu. Vì tương lai của lĩnh vực hàng hóa có xu hướng phản ánh thương mại toàn cầu nên đây là tin tốt cho các công ty bảo hiểm hàng hóa. Tuy nhiên, những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ do COVID có thể dẫn đến việc cải tổ và có lẽ là một động thái để đưa các cơ sở sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng ta”.
Bà Therrien chỉ ra rằng sự đứt gãy tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hải do tình trạng tắc nghẽn cảng và tạm ngưng hoạt động diễn ra phổ biến. Tình trạng khan hiếm công-tên-nơ và việc di chuyển hàng hóa theo mùa để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới cũng đã góp phần gây ra vấn đề này. Các yếu tố khác dẫn đến sự bất ổn đối với bảo hiểm hàng hóa toàn cầu bao gồm những tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là các sự kiện thiên tai gia tăng như thời tiết trên biển dữ dội hơn ảnh hưởng đến sự ổn định của công-tên-nơ được xếp chồng lên nhau trên những con tàu lớn. Trong những năm gần đây, những con tàu lớn này cũng đã bị ảnh hưởng ngày càng nhiều bởi các vụ hỏa hoạn trên tàu có thể là do việc khai báo sai hàng hóa nguy hiểm. Đại dịch cũng đã nêu bật thực tế là ngành hàng hải cần tập trung vào số hóa. Dự báo sẽ có sự thay đổi trong cách thức mà ngành này sẽ áp dụng số hóa và các công ty bảo hiểm nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc số hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của bảo hiểm hàng hóa.
Triển vọng năm 2021
Bà Therrien cho biết triển vọng cho năm 2021 là một mối quan tâm, “Một số sự kiện đã làm cho năm 2021 có vẻ kém tươi sáng hơn dưới góc độ bảo hiểm hàng hóa. Tổn thất chung đã được tuyên bố đối với tàu công-tên-nơ Ever Given làm tắc nghẽn kênh đào Suez và đã có một loạt tổn thất giá trị cao khác trong năm nay, bao gồm cả vụ cháy tàu chở hàng X-Press Pearl; ngoài ra, cơn bão Ida và các sự kiện thiên tai khác như cháy rừng và lũ lụt sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của chúng ta trong năm nay ”.
Bà Therrien cũng cho biết, “Chỉ trong 4 năm qua, chúng ta đã chứng kiến các tổn thất hàng hóa vượt quá 3 tỷ USD và có vẻ như mức độ nghiêm trọng và tần suất tổn thất đang tăng lên do hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, tích tụ rủi ro, đứt gãy chuỗi cung ứng và các yếu tố khác. Rõ ràng là lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa cần xem xét lại cách thức mô hình hóa và định phí rủi ro và phải dựa trên một loạt các phân tích dự báo để am hiểu chính xác hơn về rủi ro mới mà chúng ta đang bắt đầu phải đối mặt.”
Bà Therrien còn cho biết thêm, “Chúng ta đang chứng kiến động thái hướng tới việc yêu cầu bảo hiểm toàn diện hơn vì người được bảo hiểm cần được bảo đảm rằng họ được bảo vệ đầy đủ. Điều này là báo hiệu tốt cho bảo hiểm hàng hóa.”
(Theo AIR 10/09/2021)