
Ngành bảo hiểm trên toàn ASEAN đã thích ứng tốt với những thay đổi do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, làm gián đoạn các nền kinh tế và thị trường tài chính, ông Marcus Lim, trợ lý tổng giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý Tiền tệ của Singapore cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Bảo hiểm ASEAN vào sáng thứ Tư vừa qua.
“Khi chúng ta gặp nhau lần cuối vào năm 2018, trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và số hóa cùng với các công nghệ mới có thể tác động đến lĩnh vực bảo hiểm như thế nào”, ông cho biết trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh do Hội đồng Bảo hiểm ASEAN và Trường Đại học Bảo hiểm Singapore tổ chức. “Không ai có thể lường trước được tốc độ mà chúng ta đã phải chấp nhận số hóa kể từ đó”.
Ngoài sự gián đoạn thị trường tài chính, đại dịch còn buộc các công ty bảo hiểm phải thay đổi cách thức hoạt động và cách thức tương tác với khách hàng. Bất chấp sự hỗn loạn năm ngoái, thị trường bảo hiểm trên khắp châu Á vẫn phục hồi, ghi nhận đạt mức tăng trưởng 2,9% về tổng doanh thu phí bảo hiểm trong năm 2020 đối với khu vực châu Á trừ Nhật Bản.
“Mặc dù mức này thấp hơn so với mức tăng trưởng mạnh mẽ 6,8% trong năm 2019, nhưng vẫn tăng mạnh hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới đã chứng kiến mức giảm 2,1%. Trong tương lai, Viện nghiên cứu Swiss Re đã dự báo mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu là 3,3% trong năm 2021, chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á mới nổi,” ông Lim cho biết.
Tạo dựng khả năng phục hồi
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của khả năng phục hồi, được phản ánh trong chủ đề của hội nghị thượng đỉnh này, khi thế giới tiếp tục vật lộn với đại dịch trong tình trạng bình thường mới.
Ông Lim lưu ý rằng sự thống nhất với các chủ hợp đồng bảo hiểm và cơ quan quản lý sẽ rất có lợi cho ngành bảo hiểm và cho phép ngành bảo hiểm tạo dựng tương lai bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn như vậy.
Ông nhấn mạnh các biện pháp cứu trợ khác nhau đã được được đưa ra ở một số quốc gia để giúp khách hàng duy trì bảo hiểm của mình trong thời điểm khủng hoảng tài chính. Malaysia, Thái Lan và Singapore đã cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm kéo dài thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cho các chủ hợp đồng bảo hiểm, trong khi các công ty bảo hiểm ở Brunei và Singapore tự động cung cấp bảo hiểm COVID-19 miễn phí cho khách hàng của mình.
“Các cơ quan quản lý bảo hiểm châu Á cũng giữ vai trò của mình bằng cách điều chỉnh các yêu cầu quản lý để cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm quản lý tốt hơn những gián đoạn này. “Cơ quan dịch vụ tài chính OJK của Indonesia, Ngân hàng Negara của Malaysia và Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore nằm trong số các cơ quan quản lý đã kéo dài thời hạn cuối cùng cho việc đệ trình quy định. Ủy ban Bảo hiểm Philippines đã đưa ra nới lỏng tạm thời cho các yêu cầu về vốn. Niềm tin và thiện chí được xây dựng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng của họ trong giai đoạn này sẽ rất có lợi cho cả hai bên”.
Sức mạnh về số lượng
Việc chia sẻ rủi ro là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và việc chia sẻ chuyên môn và thông tin chỉ làm cho ngành bảo hiểm trở nên mạnh mẽ hơn.
“Mặc dù thị trường bảo hiểm ASEAN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những lĩnh vực cần phải làm để chúng ta có thể linh hoạt hơn với tư cách là một khu vực,” ông cho biết. Về vấn đề này, thảm họa và rủi ro thiên tai vẫn là trọng tâm đối với ASEAN, ngay cả trong bối cảnh đại dịch, ông Lim chỉ ra những nỗ lực không ngừng của Cơ chế Bảo hiểm Cứu trợ Thiên tai Đông Nam Á và Chương trình Bảo hiểm và Tài trợ Rủi ro Thiên tai ASEAN nhằm tạo dựng dữ liệu và tài trợ linh hoạt cho khu vực này.
“Quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa khu vực công và khu vực tư cũng sẽ là chìa khóa. Nền tảng Đối tác Bảo hiểm Châu Á Toàn cầu tập hợp các nhà hoạch định chính sách và giới hàn lâm trong ngành để tiến hành nghiên cứu và đồng sáng tạo ra các giải pháp tài trợ rủi ro mang tính đổi mới nhằm tăng cường khả năng phục hồi của Châu Á trước rủi ro trên quy mô lớn,” ông cho biết. “Các nền tảng như thế này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sử dụng thế mạnh tương ứng của chúng ta.”
Ông cũng lưu ý rằng biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng có liên quan đến sự tồn tại của thế hệ chúng ta và rằng các cơ quan quản lý phải tiếp tục định hướng ngành bảo hiểm theo hướng bền vững hơn đồng thời nhận thức được những thách thức độc nhất vô nhị mà khu vực này phải đối mặt.
“Nói cụ thể, có sự đa dạng về mức độ và tính chất phát triển xã hội, kinh tế và công nghiệp giữa các quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là không thể áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các thị trường phát triển hơn trên quy mô lớn toàn khu vực này. Sẽ không thực tế nếu trông chờ vào các quốc gia thành viên của chúng ta đột ngột cắt giảm sự phụ thuộc vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng, nhưng điều này sẽ không ngăn cản chúng ta thực hiện các bước hướng tới việc chuyển đổi có trật tự sang các ngành ủng hộ phát thải khí cácbon thấp và quản lý tài nguyên bền vững,” ông cho biết.
Đưa ra các chương trình giáo dục khác
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh này, Trường Công nghệ bảo hiểm, Phân tích và Đổi mới ASEAN đã chính thức được khai trương.
Là sáng kiến của Ủy ban Giáo dục Bảo hiểm ASEAN và được sự tán thành của Hội đồng Bảo hiểm ASEAN, Trường này do Trường Đại học Bảo hiểm Singapore (SCI) sáng lập và thành lập với sự hợp tác của các học viện đào tạo trong khu vực. Mục đích là để phù hợp với tầm nhìn của sáng kiến ASEAN Kỹ thuật số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã được đưa ra vào năm 2018 nhằm khai thác đầy đủ các lợi ích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực của ASEAN và đảm bảo rằng công dân của mình có các kỹ năng cần thiết để phát triển mạnh trong thế giới kỹ thuật số và công nghệ.
Chịu sự ảnh hưởng của các nguyên tắc về tính toàn diện, tiếp cận và tác động, Trường đã triển khai Chứng chỉ ASEAN về Công nghệ bảo hiểm 4.0 và Chứng chỉ ASEAN về Phân tích Dữ liệu & Dữ liệu bằng tiếng Anh và bằng nhiều ngôn ngữ khác trong khối ASEAN, được thực hiện trên nền tảng học tập di động từng đoạt giải thưởng. Bộ Chứng chỉ được cấp theo Khung Năng lực Kỹ thuật số ASEAN (ADCF) do SCI phát triển sẽ được xếp chồng lên nhau để tiến tới Giấy chứng nhận tốt nghiệp. Huy hiệu kỹ năng kỹ thuật số sẽ được trao để công nhận thành tích học tập ở các cấp độ khác nhau.
(Theo AIR 28/10/2021)