Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2021
Năm 2020 Việt Nam là điểm sáng trụ vững trước các làn sóng đại dịch Covid 19, tuy nhiên năm 2021 chúng ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp và gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế cũng như đến từng gia đình.

Sau khởi đầu mạnh mẽ trong quý 1 và duy trì đà tăng trưởng trong quý 2/2021, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhanh từ cuối tháng 4, thời điểm mà hầu hết dân số còn chưa được tiêm chủng. Các nỗ lực để truy vết và ngăn chặn dịch bệnh hầu như không hiệu quả trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Dịch bệnh sau đó bùng phát mạnh và lan rộng đến các cụm công nghiệp và các khu vực có mật độ dân số cao như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…. Cuối quý 3/2021 khi việc tiêm chủng được tiến hành rộng rãi trên cả nước dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Các đợt phong tỏa trên diện rộng hầu hết chỉ được dỡ bỏ trong quý 4 khi thực hiện chuyển đổi chiến lược chống dịch của Chính phủ bằng Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực trong trong quý 4/2021 đạt mức 5,22% YoY so với mức GDP quý 3/2021 giảm 6% YoY- mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý cho đến nay.
Tính chung cả năm 2021, GDP đạt mức 2,58% YoY, bằng ½ mức bình quân của toàn cầu. Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 thấp nhất kể từ năm 1986 trở lại đây nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2021 của Việt Nam vẫn giữ ổn định, đây là nền tảng quan trọng trong việc duy trì được sự hồi phục kinh tế cho năm 2022.
Khu vực Công nghiệp và Xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng bất chấp sự suy giảm trong quý 3
Trong quý 4, khu vực Công nghiệp và Xây dựng, chiếm 37,9% GDP, tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, sau khi suy giảm 5,5% trong quý 3. Cùng với mức tăng trưởng cao 6,3% và 10,4% trong 2 quý đầu năm, khu vực này đạt mức tăng trưởng cả năm khả quan, 4,1% so với năm 2020. Ngành Công nghiệp Chế biến, Chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
PMI là chỉ số dự báo tốt về triển vọng của ngành sản xuất. Chỉ số này đã sụt giảm từ 54,7 điểm trong tháng 4 năm 2021, mức cao nhất trong năm xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6 và sau đó xuống đến 40,2 điểm trong tháng 8 và tháng 9, mức thấp nhất trong năm 2021 và sau đó phục hồi ở mức trên 52,1 điểm tháng 10, 52,2 điểm tháng 11 và 52,5 điểm tháng 12/2021.
Khu vực Nông Nghiệp tăng trưởng tốt, luôn là bệ đỡ mỗi khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn
Mặc dù bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do chính sách phong tỏa và hạn chế đi lại trong quý 3, khu vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp vẫn ghi nhận kết quả khả quan. Với điều kiện sản xuất thuận lợi trong cả năm và tình hình dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát, khu vực này tăng trưởng 2,9% so với năm trước, là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ 2018 (tăng 3,8%). Do sự suy giảm của khu vực Dịch vụ, khu vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp đóng góp đến 14,0% vào tổng tăng trưởng GDP trong năm 2021, trong khi chỉ chiếm 12,4% trong tổng GDP năm 2021, tỷ trọng nhỏ nhất trong các khu vực kinh tế.
Khu vực Dịch vụ tăng trưởng thấp trong năm 2021
Dịch vụ, khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất, 41% trong cơ cấu GDP, bị tác động nghiêm trọng nhất bởi đại dịch Covid-19. Số lượng du khách quốc tế đã sụt giảm nghiêm trọng từ khi bắt đầu đại dịch trong năm 2020 trong khi cầu nội địa suy yếu trong quý 3/2021 do các đợt phong toả trên diện rộng và thu nhập khả dụng cũng như niềm tin người tiêu dùng giảm. Sau khi dần hồi phục với mức tăng trưởng 3,6% và 4,2% so với cùng kỳ trong quý 1 và quý 2, khu vực Dịch vụ suy giảm mạnh 8,6% so với cùng kỳ vào quý 3/2021. Nền kinh tế mở cửa trở lại đã giúp khu vực này tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ trong quý 4. Tuy nhiên tính chung cả năm 2021, khu vực Dịch vụ chỉ tăng trưởng 1,2% so với năm trước, thấp hơn năm 2020 (tăng 2,3%) và thấp hơn rất nhiều so với 2019 (tăng 7,9%).
Thương mại hàng hóa đạt thặng dư
Trong khi phần lớn hoạt động thương mại toàn cầu trong năm 2021 bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu bị tác động bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 3. Tương tự như chỉ số sản xuất công nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu ghi nhận mức độ bị ảnh hưởng khác nhau. Tính chung, tổng giá trị xuất khẩu tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, giảm tốc trong quý 3 với mức tăng trưởng khiêm tốn 3,0% so với cùng kỳ và phục hồi khả quan với mức tăng trưởng 19,4% trong quý 4 2021. Giá trị xuất khẩu cả năm tăng 19,0% so với năm trước và đạt 336,3 tỷ USD. Mặc dù nhập khẩu tăng cao 26,5% so với cùng kỳ từ nền thấp trong năm 2020, Tổng cục Hải quan ước tính thặng dư thương mại hàng hóa năm 2021 đạt khoảng 4,1 tỷ USD so với mức thặng dư kỷ lục 19,9 tỷ USD trong năm 2020.
Cán cân thương mại dịch vụ tiếp tục ghi nhận năm thâm hụt kỷ lục thứ hai liên tiếp, chủ yếu là do thiếu vắng khách du lịch quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tiếp tục giảm 51,7% so với cùng kỳ xuống 3,7 tỷ USD trong năm 2021, sau khi đã giảm mạnh 68,4% trong năm 2020. Nhập khẩu dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng vì dịch vụ vận tải chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ và đã tăng mạnh 34,2% so với cùng kỳ lên mức 10,0 tỷ USD trong năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ do đó đã tăng 8,5% so với cùng kỳ lên 19,4 tỷ USD. Nhập siêu dịch vụ trong năm 2021 vì vậy ở mức 15,7 tỷ USD, cao hơn 53,0% so với mức thâm hụt trong năm 2020.
Vốn FDI vào Việt Nam tích cực
Quy mô các dự án FDI được phê duyệt trong năm 2021 đã giúp trấn an các nhà đầu tư rằng đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các hạn chế đi lại không ảnh hưởng nhiều đến việc cấp mới các dự án FDI cũng như vị thế của Việt Nam là một cứ điểm sản xuất hấp dẫn. Giá trị các dự án đăng ký mới tăng 4,1% so với cùng kỳ lên 15,2 tỷ USD và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án hiện hữu tăng 40,5% so với cùng kỳ lên 9 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn FDI được phê duyệt trong năm 2021 tăng 15,2% so với cùng kỳ và đạt 24,3 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức giảm 6,6% trong năm 2020. Tổng vốn FDI được phê duyệt trong năm 2021 chỉ thấp hơn 1,2% so với mức trung bình 24,6 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm 2015 – 2019. Vốn FDI được phê duyệt bình quân tháng đạt 2,3 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm khi có nhiều dự án năng lượng lớn được cấp phép và giữ ở mức ổn định 1,8 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm. Tổng vốn FDI giải ngân đạt 19,7 tỷ USD, thấp hơn 1,2% so với 2020, tuy nhiên vẫn cao hơn 13,1% so với mức trung bình 5 năm trước đại dịch là 17,5 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ ổn định, tiền đồng giữ giá
Vị thế ngoại hối của Việt Nam đã được kiểm soát tốt trong suốt năm 2021. Tỷ giá VNĐ/USD tại các ngân hàng thương mại ổn định trong cả năm và mặc dù đồng VNĐ có giảm nhẹ 0,5% trong quý 4 do nhu cầu ngoại tệ cao cuối năm nhưng vẫn tăng 1,3% so với đầu năm. Thanh khoản ngoại hối dồi dào giúp tỷ giá trung bình của các ngân hang thương mại thấp hơn tỷ giá trung tâm của NHNN trong nửa sau của năm 2021 (trong biên độ +/-3%), trong khi dao động quanh tỷ giá trung tâm trong nửa đầu năm và cao hơn tỷ giá tham chiếu trong năm 2020. Một điểm đáng chú ý là sau khi đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ vào cuối năm 2020 và tiến hành điều tra vào tháng 4 năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Việt Nam không thao túng tiền tệ vào tháng 7 năm 2021.
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vẫn ổn định mặc dù thâm hụt thương mại dịch vụ gia tăng. Bên cạnh thặng dư thương mại hàng hóa và dòng vốn đầu tư gián tiếp FDI, kiều hối năm 2021 có thể đạt 12,5 tỷ USD theo ước tính của NHNN, trong khi con số ước tính của Ngân hàng Thế giới là 18,1 tỷ USD, tương đương 4,9% GDP, tăng so với 17,2 tỷ USD trong năm 2020. Với số liệu này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận được kiều hồi cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ước tính từ các nguồn không chính thức, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt 100 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng tăng tốc vào cuối năm – Lạm phát duy trì ở mức thấp
Lạm phát duy trì ở mức khá thấp trong suốt năm 2021, chỉ tăng trung bình 15 điểm phần trăm một tháng và đạt mức bình quân 1,8% trong năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát trong nước vẫn thấp mặc dù chịu tác động từ việc giá nhiên liệu toàn cầu và phí vận tải quốc tế tăng mạnh cũng như các gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước gây ra nhiều áp lực lên chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa. Thực tế, giá xăng dầu và khí đốt đã tăng mạnh tương ứng 54,9% và 39,4% trong quý 4 và là hai yếu tố đóng góp chính vào tỷ lệ lạm phát năm 2021 với mức tương ứng 2,0 và 0,6 điểm phần trăm. Sự tăng giá của hai nhóm này phần lớn được bù trừ bằng suy giảm 1,3% của giá thực phẩm. Bên cạnh đó, chi phí đi lại và giáo dục cũng giảm khi một số địa phương tạm hoãn việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục để hỗ trợ người dân. Giá xăng dầu và giá khí là hai yếu tố đóng góp chính vào lạm phát cả năm, đóng góp tổng cộng 1,5 điểm phần trăm hay hơn 80% lạm phát của năm, trong khi giá thực phẩm giúp tỷ lệ lạm phát giảm 12 điểm cơ bản.
Như diễn biến trong nhiều năm trước, tăng trưởng tín dụng dần tăng tốc trong năm. Sau khởi đầu tốt với mức tăng 3,0% trong quý 1, tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực 6,4% tính đến cuối quý 2 nhưng trì trệ, chỉ đạt 7,9% vào cuối quý 3 trước khi tăng tốc vào quý 4 giúp tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 13,53%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 đã tăng lên 1,9% từ mức 1,7% cuối năm 2020 và lên đến 8,2% bao gồm nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ ảnh hưởng của Covid-19 được gia hạn thời gian trả nợ. Tuy nhiên, vấn đề này nằm trong dự đoán và được NHNN giám sát rất sát sao.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
Trái với các dự báo triển vọng tươi sáng vào cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ quý 2/2021 và các chính sách ngăn chặn dịch bệnh sau đó đã khiến nền kinh tế Việt Nam lệch nhịp phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2021. Với nỗ lực chuyển hướng chiến lược phòng chống covid tuy muộn nhưng khá thành công của Chính phủ về triển khai tiêm vacxin trên toàn quốc với hầu hết dân số trưởng thành. Nếu không xuất hiện các biên chủng vi rút mới nguy hiểm hơn, khả năng nền kinh tế bị gián đoạn như trong 2021 sẽ không lặp lại trong năm 2022.
Trong trường hợp không có thêm các gián đoạn kinh tế hay các sự kiện bất ngờ, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục dần theo đồ thị chữ “U”. Người lao động bị mất việc hoặc bỏ việc sẽ cần thêm thời gian để có thể tự tin quay lại các thành phố lớn để tiếp tục công việc hoặc tìm công việc mới, đặc biệt là đối với những người làm trong khu vực Dịch vụ. Vận tải quốc tế và giá cước vận tải trên các tuyến thương mại chính cũng được dự báo là cần khoảng gần một năm để quay lại mức bình thường. Trên toàn cầu, áp lực lên lạm phát từ giá nhiên liệu tăng và từ các gói kích thích tài khoá khổng lồ kết hợp với thực tế là các gói nới lỏng định lượng sẽ dần được thu hẹp khiến việc dự báo lãi suất và tỷ giá trong năm 2022 trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, các diễn biến căng thẳng chính trị giữa Nga – Ucraina, Trung Đông… cũng là các biến số ảnh hưởng lớn tới phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hầu hết các tổ chức kinh tế đều dự báo khá thận trọng về mức độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Các định chế tài chính lớn như ADB, IMF, WB, HSBC đều có dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%. Tương tự, Chính phủ cũng đã đề xuất lên Quốc hội kế hoạch tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% và lạm phát khoảng 4,0% trong năm 2022 cùng với các chỉ tiêu khác không quá khác biệt so với những năm trước. Điều này cho thấy Chính phủ ưu tiên phát triển nền kinh tế theo hướng ổn định và vững chắc trong năm 2022.
Mặc dù còn nhiều biến động khó khăn từ môi trường quốc tế và dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước nhưng tiếp đà giải ngân đầu tư công vào quý 4/2021 cùng với việc thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid 19 được thực thi trên cả nước thì Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ sớm trở lại mức phát triển 7%/năm.