Chuyên mục

Bản tin BH - TBH

Báo cáo thường niên

Xếp hạng tín nhiệm

Cho Thuê Văn Phòng

Thông tin cố phiếu

Tỷ Giá

Tỷ giá   Tỷ giá

Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home/vinareco/domains/vinare.com.vn/public_html/wp-content/themes/vinare/single.php on line 291

Thiên tai và lạm phát trong năm 2022

Tỷ lệ phí bảo hiểm/tái bảo hiểm rủi ro thảm họa tài sản đã tăng lên gần mức cao nhất trong 20 năm vào mùa tái tục tháng 1 năm 2023, tiếp tục quỹ đạo bắt đầu từ năm 2018. Nhu cầu về phạm vi bảo hiểm đã tăng lên khi thiên tai tiếp tục gây thiệt hại tài sản trên toàn thế giới. Năm 2022, thiên tai đã gây ra thiệt hại kinh tế 275 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó tổn thất được bồi thường bảo hiểm là 125 tỷ USD, mức cao đứng thứ tư trong 10 năm qua. Ngoài thiên tai, các yếu tố khác như tác động của lạm phát kinh tế và tổn thất trên thị trường tài chính cũng góp phần làm nên thị trường bảo hiểm “cứng”.

Tỷ lệ phí bảo hiểm/tái bảo hiểm tăng cao trong những năm gần đây trùng với giai đoạn thiên tai có xu hướng gia tăng và tổn thất leo thang bắt đầu từ năm 2017. Con số tổn thất được bảo hiểm trong năm 2022 tái khẳng định xu hướng tăng trưởng hàng năm 5‒7% kể từ năm 1992, điều này chủ yếu dựa vào mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của tổn thất do các sự kiện rủi ro sơ cấp và thứ cấp[1].

Ngày nay, tổn thất được bảo hiểm trung bình hàng năm hơn 100 tỷ USD là mức bình thường. Sự kiện tổn thất lớn nhất trong năm 2022 là cơn bão Ian (tổn thất được bảo hiểm ước tính 50‒65 tỷ USD). Các sự kiện tổn thất lớn khác là lũ lụt ở Úc và Nam Phi, mưa đá ở Pháp, bão mùa đông ở châu Âu và các đợt nắng nóng bất thường ở châu Âu, Trung Quốc và châu Mỹ.

Tổn thất được bảo hiểm do thiên tai gây ra trên toàn cầu, tính bằng tỷ USD theo giá năm 2022

Bên cạnh những tàn phá do thiên tai gây ra, yếu tố dẫn đến tổn thất cao còn do sự tăng trưởng kinh tế, giá trị tài sản tích tụ ở các khu vực bị ảnh hưởng, đô thị hóa cũng như việc dân số gia tăng, thường là ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Swiss Re dự báo rằng những điều này đi cùng với sự tiến triển của một loạt các yếu tố rủi ro hiện nay như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cuối cùng là lạm phát, sẽ tiếp tục khiến tổn thất tăng cao hơn.

Lạm phát kinh tế đã gia tăng trong hai năm qua, trung bình là 7% ở các thị trường tiên tiến và 9% ở các nền kinh tế mới nổi trong năm 2022. Nguyên nhân ban đầu là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn. Bên cạnh đó, giá lương thực và năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm cho sức ép lạm phát càng thêm tồi tệ. Ảnh hưởng của giá cả cao đã làm tăng giá trị danh nghĩa của các tòa nhà, xe cộ và các tài sản có thể bảo hiểm khác, vì vậy, thúc đẩy các khiếu nại bảo hiểm đối với thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Lĩnh vực xây dựng chịu tác động trực tiếp nhất. Chi phí vật liệu và nhân công tăng do sự thiếu hụt đã dẫn đến khiếu nại bồi thường cao hơn để trang trải chi phí sửa chữa tòa nhà. Tại Mỹ, tổng chi phí thay thế của các tòa nhà trong năm 2022 đã tăng ước tính khoảng 40% kể từ đầu năm 2020.

Các tổn thất do thiên tai gia tăng và sự ước tính thiếu hụt của ngành bảo hiểm về các tổn thất đó cho thấy cần phải hiểu rõ hơn về tất cả các yếu tố thúc đẩy rủi ro đang diễn ra. Ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm từ lâu đã theo dõi các rủi ro sơ cấp nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng đối với các rủi ro thứ cấp, khi những tổn thất liên quan đến rủi ro thứ cấp đã tăng lên trong nhiều năm. Cần phải có nguyên tắc chặt chẽ hơn trong việc giám sát các rủi ro thứ cấp dẫn đến tổn thất và chia sẻ các phát hiện liên quan trong ngành bảo hiểm. Việc thiếu dữ liệu rủi ro chi tiết cũng có thể cản trở sự hiểu biết về tất cả các rủi ro hiện nay.

Swiss Re dự báo thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm sẽ tiếp tục “cứng”, dựa trên nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng và bởi vì giá trị tài sản được bảo hiểm cao hơn do lạm phát gây ra. Những căng thẳng từ phía cung hiện tại cũng làm cơ sở cho thị trường diễn biến như hiện nay. Trước hết là vốn của ngành bảo hiểm đã giảm do lãi suất tăng. Thêm vào đó, tình trạng thiếu năng lực bảo hiểm, sáu năm kết quả kinh doanh nghiệp vụ yếu kém trong hoạt động bảo hiểm tài sản đã làm giảm “khẩu vị” rủi ro. Khi đối mặt với chi phí tài chính cao hơn do lãi suất tăng, một số nhà cung cấp năng lực bảo hiểm đã trở nên thận trọng hơn trước khả năng đánh giá sai lệch rủi ro và số liệu thống kê tổn thất. Theo quan điểm của Swiss Re, đà tăng phí, mức giữ lại cao hơn và các điều khoản điều kiện chặt chẽ hơn có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi mức độ rủi ro cao hơn gặp phải “khẩu vị” rủi ro bị thu hẹp lại.

                                                            (Theo Sigma No. 1/2023)


[1] Swiss Re phân loại rủi ro sơ cấp và thứ cấp: Rủi ro sơ cấp là sự kiện thiên tai có xu hướng xảy ra ít thường xuyên hơn nhưng có khả năng gây tổn thất cao. Rủi ro thứ cấp là sự kiện thiên tai có thể xảy ra tương đối thường xuyên và thường gây ra tổn thất ở mức độ từ thấp đến trung bình.

Liên kết Website