I. Một số nét chính về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2024:
Kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 tiếp đà phục hồi tích cực trên nhiều lĩnh vực với sự tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát 4.04%. Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường. Thanh khoản hệ thống duy trì ổn định với mặt bằng lãi suất thấp nhờ sự điều hành, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Thu hút FDI tiếp tục gia tăng.
Cùng với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và những giải pháp chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động phát hành trên thị trường TPDN trong 8 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự khởi sắc cả về giá trị và số đợt phát hành so với cùng kỳ năm 2023. Tổng giá trị TPDN phát hành đạt 238,356 tỷ đồng, tăng 61.6%.
Về cơ cấu tổ chức phát hành (TCPH), nhóm ngân hàng vẫn là nhà phát hành chính trên thị trường khi chiếm tỷ trọng 72.2% (tương đương 172 nghìn tỷ đồng), tiếp đến là nhóm bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng 18.5% (với 44.2 nghìn tỷ đồng), những nhóm ngành còn lại đều chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 5%.
Về tình hình chậm thanh toán nợ TPDN, 8 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 26,095 tỷ đồng TPDN chậm trả. Hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế mặc dù đang dần phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với áp lực chi phí vốn và cạnh tranh tăng cao. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều TCPH, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp BĐS vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu đến hạn.
II. Nhận định biến động thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2024:
Mục tiêu điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu quy mô của thị trường TPDN là 25% GDP vào năm 2030.
Thị trường TPDN giai đoạn cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nhờ tác động tích cực của các chính sách pháp luật ban hành thời gian gần đây và môi trường lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô hồi phục.
Tín hiệu phục hồi của nền kinh tế ghi nhận những dấu hiệu khả quan thời gian gần đây dẫn tới nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sẽ gia tăng. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng. Chính phủ định hướng tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phát triển kinh tế và hồi phục của doanh nghiệp, chính sách đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Áp lực TPDN đến hạn từ nay đến cuối năm 2024 vẫn còn lớn, ước tính khoảng 106 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn tập trung vào các ngành rủi ro thanh toán như BĐS, năng lượng tái tạo. Để cân đối nguồn trái phiếu sẽ đến hạn những tháng cuối năm 2024 và nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường BĐS thời gian tới, vốn huy động từ TPDN giúp các doanh nghiệp BĐS gia tăng thêm nguồn lực bên cạnh vốn vay ngân hàng.
Về xu hướng lãi suất thời gian tới, với yêu cầu vừa ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát cuối năm ở mức 4%, tiếp tục giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm đã đặt ra mục tiêu kép khó khăn đối với ngành ngân hàng. Nếu không có những biến động mạnh, dự báo lãi suất có thể duy trì ở mặt bằng của tháng 8 và tăng nhẹ đến cuối năm 2024, có thể sẽ có phân hóa và cạnh tranh giữa các ngân hàng tùy theo khả năng xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng, kéo theo lợi suất trái phiếu có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nợ quá hạn vẫn là vấn đề lớn nhất của thị trường trong những tháng còn lại của năm 2024 khi nhiều TCPH tiếp tục gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Tình trạng chậm trả sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải xin giãn, hoãn thanh toán nợ và điều chỉnh kế hoạch mua lại trái phiếu, thị trường BĐS có dấu hiệu dần hồi phục nhưng dự báo vẫn chưa hết khó khăn. Rủi ro chậm trả của thị trường cũng gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã hết hiệu lực.
Với những nhận định như trên, dự báo nhu cầu tín dụng và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của ngành ngân hàng, sẽ sôi động hơn trong các tháng cuối năm 2024 khi nhu cầu mở rộng SXKD sẽ tích cực hơn theo đà phục hồi của nền kinh tế. Lợi suất TPDN có thể tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở vùng hấp dẫn đối với TCPH.
Nguồn: Tổng hợp