Swiss Re đã ước tính tổn thất của ngành bảo hiểm do các sự kiện thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 đã tăng lên 105 tỷ USD, còn các thảm họa do con người đã gây ra tổn thất thêm 7 tỷ USD.
Theo ước tính sơ bộ trong báo cáo Sigma của Viện nghiên cứu Swiss Re, đây là mức tổn thất được bảo hiểm hàng năm cao thứ tư do thảm họa thiên nhiên kể từ năm 1970.
Mặc dù sự kiện thiên tai tốn lớn nhất trong năm là cơn bão Ida trong quý 3 (30 -32 tỷ USD), nhưng Swiss Re lưu ý rằng cơn bão mùa đông Uri trong quý 1 và các sự kiện rủi ro thứ cấp khác chiếm hơn 50% tổng tổn thất do sự tích tụ tài sản và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Sau cơn bão Ida, cơn bão mùa đông Uri là sự kiện thiên tai tốn kém đứng thứ hai trong năm của ngành bảo hiểm với tổn thất lên tới 15 tỷ USD.
Sự kiện tổn thất lớn nhất ở châu Âu là trận lũ lụt hồi tháng Bảy đã tàn phá nhiều vùng của Đức, Bỉ và các quốc gia lân cận, gây ra tổn thất được bảo hiểm lên tới 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế do trận lũ lụt này được dự báo lên đến hơn 40 tỷ USD, điều này cho thấy khoảng trống bảo vệ lũ lụt lớn đang tồn tại trong khu vực này.
Trên thực tế, lũ lụt ở châu Âu trong quý 3 là sự kiện thiên tai gây tổn thất lớn nhất đối với khu vực này kể từ năm 1970 và cũng là trận lũ lụt lớn đứng thứ hai trên thế giới sau trận lũ lụt năm 2011 ở Thái Lan.
Ông Jérôme Jean Haegeli, chuyên gia kinh tế trưởng của Swiss Re bình luận: “Tác động của các sự kiện thiên tai mà chúng ta đã trải qua trong năm nay một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư đáng kể vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu để giảm thiểu tác động của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.”
“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng trưởng bền vững và khả năng phục hồi và cần được nâng cấp. Riêng tại Mỹ, khoảng trống đầu tư cơ sở hạ tầng để duy trì cơ sở hạ tầng thiết yếu và già cỗi là 500 tỷ USD tính trung bình mỗi năm cho đến năm 2040.”
“Hợp tác với khu vực công, ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của xã hội đối với các rủi ro khí hậu, bằng cách đầu tư và bảo hiểm cho cơ sở hạ tầng bền vững.”
Tháng 6, châu Âu cũng đã phải hứng chịu những cơn bão đối lưu nghiêm trọng, như giông tố, mưa đá và lốc xoáy gây thiệt hại tài sản trên diện rộng ở nhiều quốc gia. Theo Swiss Re, tổn thất được bảo hiểm của những sự kiện này ước tính khoảng 4,5 tỷ USD.
Tổn thất được bảo hiểm từ năm 1970

(Đ/v tính: Tỷ USD theo giá năm 2021) |
Tổng tổn thất của ngành bảo hiểm là 112 tỷ USD, tăng 13% so với con số 99 tỷ USD đã được ghi nhận trong năm 2020, và cũng cao hơn mức trung bình 10 năm trước là 86 tỷ USD.
Tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 là 105 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020 và tổn thất do con người gây ra là 7 tỷ USD, giảm 24% so với năm 2020.
Tổn thất do thảm họa thiên nhiên được bảo hiểm trong năm 2021 cao hơn gần 30 tỷ USD so với mức trung bình 10 năm trước, trong khi đó tổng tổn thất do con người được bảo hiểm thấp hơn mức trung bình khoảng 2 tỷ USD.
Nhìn chung, thiệt hại kinh tế do thiên tai lên tới 259 tỷ USD trong năm 2021, tăng 20% so với năm ngoái và cũng cao hơn mức trung bình 10 năm trước khoảng 229 triệu USD.
Thiệt hại kinh tế của các thảm họa do con người gây ra lên đến 9 tỷ USD trong năm 2021, so với 14 tỷ USD trong năm 2020 và mức trung bình 10 năm trước là 13 tỷ USD.
Tất nhiên, sự tàn phá gần đây do cơn bão đối lưu và sự kiện lốc xoáy gây ra vào ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2021 ở Mỹ dự kiến sẽ được bổ sung vào số liệu của Swiss Re, làm tăng thêm tổng thiệt hại kinh tế và tổng tổn thất được bảo hiểm của ngành bảo hiểm trong năm 2021.
Tập đoàn môi giới Aon nhận định ngành bảo hiểm sẽ phải đối mặt với tổn thất nhiều tỷ đồng do các cơn lốc xoáy mới xảy ra vừa qua ở Mỹ.
(Theo Reinsurance News 14/12/2021)